Hình tròn màu xanh lá có dấu chấm hỏi bên trong Nhiều khả năng hoặc chắc chắn đúng

Hình tròn màu đỏ có dấu X bên trongThông tin sai/không chính xác

Hình tròn màu xám có dấu chấm hỏi bên trongChúng ta chưa chắc chắn về thông tin này

Thay đổi hoặc chỉnh sửa cụm từ tìm kiếm của quý vị

Béo phì là nguyên nhân gây ung thư

Điều quý vị có thể đã nghe nói

Béo phì có liên quan đến nhiều loại ung thư khác nhau.

Những gì chúng ta đã biết theo khoa học

Béo phì hoặc chỉ số khối cơ thể (body mass index, BMI) ở mức cao là tình trạng một người có lượng và/hoặc sự phân bổ chất béo trong cơ thể ở mức không lành mạnh. Để đo độ béo phì, các nhà nghiên cứu thường sử dụng thang đo BMI, được tính bằng cách lấy cân nặng của một người (tính bằng kilôgram) chia cho bình phương chiều cao của người đó (tính bằng mét). BMI cung cấp thước đo chính xác hơn về tình trạng béo phì của một người so với chỉ số cân nặng, mặc dù cũng có những hạn chế của nó. Gần 70% số người trưởng thành ở Hoa Kỳ có chỉ số BMI từ 25.0 trở lên, đây là mức thừa cân (25.0-29.9) hoặc béo phì (từ 30.0 trở lên) (NCI). Tuy nhiên, có nhiều chỉ số đo tình trạng béo phì, và mỗi chỉ số có thể liên quan đến các nguy cơ ung thư khác nhau.

Bằng Chứng Dịch Tễ Học

Có các bằng chứng nhất quán cho thấy lượng mỡ trong cơ thể cao hơn có liên quan đến một số bệnh ung thư. Những người béo phì bị viêm mãn tính, điều này theo thời gian có thể gây ra tổn thương ở DNA và dẫn đến ung thư. Những người này cũng có nhiều khả năng mắc các bệnh trạng hoặc rối loạn khác có liên quan đến hoặc góp phần gây ra chứng viêm mãn tính, ví dụ: bệnh Barrett thực quản, sỏi mật, viêm loét đại tràng và viêm gan(NCI). Các bệnh ung thư có liên quan đến béo phì bao gồm:

  • Nội mạc tử cung: Phụ nữ béo phì và thừa cân có nguy cơ bị ung thư nội mạc tử cung (ung thư niêm mạc tử cung) cao gấp 2-4 lần phụ nữ có chỉ số BMI khỏe mạnh. Nguy cơ ung thư nội mạc tử cung tăng lên khi cân nặng của người đó tăng lên trong giai đoạn tuổi trưởng thành (NCI).
  • Thực quản: Những người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ phát triển ung thư biểu mô tuyến thực quản cao gấp 2 lần so với những người có chỉ số BMI khỏe mạnh (NCI).
  • Tâm vị dạ dày: Những người béo phì có nguy cơ phát triển ung thư ở phần trên của dạ dày, gần thực quản cao hơn gần gấp đôi so với những người có cân nặng khỏe mạnh. (NCI).
  • Gan: Những người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ mắc ung thư gan cao gấp đôi so với những người có cân nặng khỏe mạnh; mối liên kết này mạnh hơn ở nam giới (NCI).
  • Thận: Những người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ phát triển ung thư tế bào thận, một dạng ung thư thận phổ biến nhất, cao gấp đôi so với những người có cân nặng khỏe mạnh. (NCI).
  • Đa u tủy: Đa u tủy là bệnh ung thư hình thành trong một loại tế bào bạch cầu cụ thể (tế bào huyết tương) và tích tụ trong tủy xương. So với những người có cân nặng phù hợp, những người thừa cân và béo phì có nguy cơ phát triển bệnh đa u tủy cao hơn 10-20% (NCI).
  • U màng não: U màng não là một khối u phát triển chậm trong các màng bao quanh não và tủy sống. Nguy cơ bị u màng não tăng 50% ở những người béo phì và 20% ở những người thừa cân.
  • Tuyến tụy: Những người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy cao gấp 1.5 lần (NCI).
  • Đại trực tràng: Những người béo phì có nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng cao hơn 30% so với những người có cân nặng phù hợp (NCI).
  • Túi mật: Nguy cơ ung thư túi mật ở người béo phì tăng 60% (NCI).
  • Vú: Phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh và bị béo phì có thêm 20-40% nguy cơ phát triển ung thư vú (NCI).
  • Buồng trứng: Chỉ số BMI cao hơn có liên quan đến việc tăng thêm 10% nguy cơ ung thư buồng trứng ở những phụ nữ chưa từng sử dụng liệu pháp hormone sau mãn kinh (NCI).
  • Tuyến giáp: Chỉ số BMI cao hơn có liên quan đến việc tăng thêm 10% nguy cơ ung thư tuyến giáp ở những phụ nữ chưa từng sử dụng liệu pháp hormone sau mãn kinh (NCI).

Ở những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú, tuyến tiền liệt hoặc đại trực tràng, nghiên cứu cho thấy tình trạng béo phì có thể ảnh hưởng đến các khía cạnh của cuộc sống sau ung thư (ví dụ: chất lượng cuộc sống, ung thư tái phát, ung thư tiến triển và khả năng sống sót).

Bằng Chứng Từ Phòng Thí Nghiệm/Bằng Chứng Hỗ Trợ

Các bằng chứng nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và trên động vật thường ủng hộ bằng chứng dịch tễ học rằng béo phì có liên quan đến nguy cơ mắc nhiều loại bệnh ung thư.

Phân Loại Tác Nhân Gây Ung Thư của IARC: Không được phân loại

Cách giảm nguy cơ của quý vị

Các nghiên cứu dịch tễ học đưa ra các bằng chứng nhất quán cho thấy những người có chỉ số BMI lành mạnh có nguy cơ bị ung thư ruột kết, thận, vú, nội mạc tử cung và buồng trứng thấp hơn. (NCI). Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người giảm cân cũng giảm được nguy cơ ung thư vú, nội mạc tử cung, ruột kết và tuyến tiền liệt. Những người bị béo phì thực hiện phẫu thuật giảm kích thước/cắt bỏ một phần dạ dày để giảm cân dường như có nguy cơ mắc các bệnh ung thư liên quan đến béo phì thấp hơn những người không phẫu thuật.

Các bước để ngăn ngừa việc tăng cân không lành mạnh cũng giống như các bước để giảm cân: tập thể dục thường xuyên, duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh và theo dõi cân nặng. Để không tăng cân, nên vận động với cường độ vừa phải ở mức 150-300 phút mỗi tuần (Mayo Clinic (Phòng Khám Mayo)). Một chế độ ăn uống lành mạnh với các thực phẩm ít calo và giàu chất dinh dưỡng (chẳng hạn như trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt), tránh chất béo bão hòa và hạn chế đồ ngọt, đồ uống có cồn và thức ăn đã qua xử lý. Xác định các tình huống dẫn đến việc ăn quá nhiều và giám sát những tình huống này cũng có thể giúp không tăng cân. Cuối cùng, sự nhất quán trong chế độ ăn uống, tập thể dục và theo dõi cân nặng thường xuyên có thể giúp quý vị không bị thừa cân.

Kết luận

Béo phì làm tăng nguy cơ bị ung thư nội mạc tử cung, thực quản, tâm vị dạ dày, gan, thận, đa u tủy, u màng não, tuyến tụy, đại trực tràng, túi mật, ung thư vú, buồng trứng và tuyến giáp. Các bước để ngăn ngừa việc tăng cân không lành mạnh cũng giống như các bước để giảm cân: Tập thể dục thường xuyên, duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh và theo dõi cân nặng.

BMI Calculator
National Cancer Institute (NCI): Obesity and cancer
MD Anderson: Obesity and cancer
CDC: Obesity and cancer
Mayo Clinic: Obesity

Ngày

Xuất bản: Ngày 24 tháng 6 năm 2021
Xác minh/cập nhật: Ngày 22 tháng 8 năm 2022