Tại sao chúng tôi tạo ra Cancer FactFinder (Công Cụ Tìm Kiếm Sự Thật Về Ung Thư)?

Hầu hết mọi người đều đã có một số kinh nghiệm cá nhân về bệnh ung thư, và nhiều người trong chúng ta lo lắng về các nguyên nhân gây ra căn bệnh này. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi ung thư là một trong những chủ đề được nghiên cứu nhiều nhất trên mạng.

Chúng ta thường tìm đến phương tiện truyền thông xã hội, các công cụ tìm kiếm trên Internet và bạn bè hoặc gia đình để biết thông tin về ung thư. Tất cả những nguồn này có thể cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin để giúp đưa ra quyết định về lối sống, dinh dưỡng, sức khỏe và giúp tránh mắc phải căn bệnh ung thư. Nhưng điều này đòi hỏi phải có thông tin chính xác.

Thông thường rất khó để biết thông tin nào là đáng tin cậy được—nghĩa là thông tin nào là chính xác và không chính xác về các nguyên nhân gây ung thư. Chúng tôi đã xây dựng trang web này để cung cấp cho mọi người những thông tin chính xác về bệnh ung thư. Những thông tin này sẽ giúp đưa ra các lựa chọn sáng suốt để tránh không tiếp xúc với một số chất nhất định hoặc thực hiện các bước tích cực để nâng cao
sức khỏe.

Chúng tôi thu thập và xử lý thông tin cho FactFinder như thế nào?

Chúng tôi xem xét các tóm tắt về bằng chứng theo cách nhất quán với các tổ chức lớn khác và chia sẻ hiểu biết của chúng tôi về mức độ chắc chắn của bằng chứng, cũng như mối liên quan giữa một chủ đề nào đó với ung thư. Để làm được điều này, chúng tôi sử dụng một quy trình nghiêm ngặt và mang tính hệ thống như sau để xác định các tuyên bố về nguyên nhân gây ung thư trong các nghiên cứu trên người:

Chúng tôi tìm kiếm các tuyên bố về ung thư từ mạng Internet, mạng xã hội và các nguồn khác.

Sau khi xác định được tuyên bố, các biên tập viên của chúng tôi xác minh hoặc bác bỏ những tuyên bố này bằng cách sử dụng các nghiên cứu trên con người tốt nhất hiện có và các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm/hỗ trợ. Chúng tôi tìm đến các nguồn dữ liệu khoa học đáng tin cậy, bao gồm các tạp chí y tế và khoa học, thu thập ý kiến chuyên gia của các nhà khoa học hàng đầu và thông tin tóm tắt từ các tổ chức uy tín như American Cancer Society (Hiệp Hội Ung Thư Hoa Kỳ) và National Institutes of Health (Viện Y Tế Quốc Gia).

Để quyết định xem một tuyên bố có khả năng là đúng hay sai, chúng tôi giới hạn việc xem xét của chúng tôi ở các bằng chứng về sức mạnh của mối liên quan hoặc quan hệ nguyên nhân-kết quả. Điều này có nghĩa là các tiêu chí chúng tôi sử dụng để đưa ra kết luận của mình bao gồm thông tin về sự tiếp xúc và các yếu tố được biết là gây ung thư. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể thiết lập mối quan hệ nguyên nhân-kết quả. Chúng tôi cũng xem xét các bằng chứng về các mối quan hệ đáng tin cậy với bệnh ung thư ở người dựa trên bằng chứng dịch tễ học. Chúng tôi cũng đánh giá các phát hiện từ các nghiên cứu độc học và các nghiên cứu hỗ trợ khác ngoài các bằng chứng dịch tễ học hiện tại.

Chúng tôi cũng đưa ra kết luận về nguyên nhân gây ung thư chủ yếu dựa trên các nghiên cứu dịch tễ học được thực hiện ở người. Các nghiên cứu thử nghiệm, bao gồm các nghiên cứu trên động vật và trong phòng thí nghiệm, có thể cung cấp thông tin hỗ trợ, nhưng cuối cùng, bằng chứng dịch tễ học ở người được sử dụng để xác định nguy cơ ung thư.

Lưu ý rằng không phải tất cả các mối liên quan với ung thư đều có thể được tìm thấy bằng các nghiên cứu dịch tễ học, vì vậy vẫn còn những điều chưa rõ về một số tuyên bố liên quan đến nguyên nhân gây ung thư, đặc biệt là khi liên quan đến một thứ gì đó có thể hoặc được biết là có chứa các chất gây ung thư (tác nhân gây ung thư). Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và bằng chứng hỗ trợ cũng bị hạn chế vì đối tượng nghiên cứu không phải là con người. Những kết luận này có thể cho thấy ảnh hưởng lên động vật nhưng không phải lúc nào cũng được áp dụng cho con người vì các đối tượng là khác nhau. Những hạn chế này được ghi nhận trong phần mô tả về từng tuyên bố.

Sau đó, chúng tôi tóm tắt thông tin chúng tôi có và thảo luận với nhóm biên tập của chúng tôi.

Sau khi bản tóm tắt thông tin được soạn thảo, các biên tập viên có chuyên môn chuyên sâu sẽ chỉnh sửa và kiểm tra thực tế bản tóm tắt đã viết.

Chúng tôi chia sẻ bản tóm tắt này với các thành viên của cộng đồng, gồm cả những người sống sót sau ung thư và những nhà vận động, để đảm bảo thông điệp có tính rõ ràng và đề cập đến những vấn đề mà công chúng có thể quan tâm—không chỉ các chuyên gia trong một lĩnh vực.

Sau khi kiểm chứng đầy đủ, chúng tôi chia sẻ thông tin trên trang FactFinder này để công chúng có thể truy cập.

Lưu ý: Việc tiếp xúc với một số chất hoặc các yếu tố nguy cơ có thể gây ra các ảnh hưởng sức khỏe có hại hoặc có lợi khác, mặc dù không gây ung thư. Chúng tôi không cung cấp thông tin trên trang web này về các ảnh hưởng có thể có khác đối với sức khỏe ngoài bệnh ung thư.

Thông tin nào không có trong tóm tắt của chúng tôi?

Các nghiên cứu thử nghiệm, bao gồm các nghiên cứu trên động vật và trong phòng thí nghiệm, có thể cung cấp thông tin có giá trị. Chúng tôi không xem xét bằng chứng từ các nghiên cứu trên động vật và trong phòng thí nghiệm ở đây, mặc dù các cơ quan quản lý thường xuyên sử dụng loại bằng chứng thử nghiệm này để đánh giá độ an toàn của hóa chất ở Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu.

Vì chúng tôi không đưa các nghiên cứu trên động vật vào báo cáo của mình, chúng tôi có thể đã bỏ lỡ một số thông tin quan trọng về các yếu tố gây ung thư. Do việc để con người tiếp xúc với một hóa chất có nguy cơ trong nghiên cứu là việc phi đạo đức, các nghiên cứu trên động vật và trong phòng thí nghiệm là cách duy nhất để xác định xem việc tiếp xúc với một số chất cụ thể có gây ung thư hay không. Để tìm ra nguyên nhân gây ung thư, có thể cần phải tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn khác, bao gồm cả những quan sát về các chất mà con người tiếp xúc trong cuộc sống hàng ngày, tại nơi làm việc hoặc trong các vụ tai nạn, đồng thời xem xét bằng chứng từ các thí nghiệm trên động vật hoặc tế bào. Bằng chứng từ các nghiên cứu về ung thư ở người thường chỉ xuất hiện sau khi người ta đã tiếp xúc với chất đó trong nhiều thập kỷ.